Nguồn ảnh: baochinhphu.vn
Ngày 31/5/2025, Bộ Tài chính đã chính thức ban hành Thông tư số 32/2025/TT-BTC, hướng dẫn chi tiết một số nội dung trong Nghị định 70/2025/NĐ-CP liên quan đến hóa đơn và chứng từ. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/6/2025 với nhiều điểm đáng lưu ý cho doanh nghiệp trong việc triển khai hóa đơn điện tử.
1. Ủy quyền lập hóa đơn điện tử
Doanh nghiệp bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ có thể ủy quyền cho bên thứ ba đủ điều kiện sử dụng hóa đơn điện tử để lập hóa đơn thay mặt. Lưu ý rằng, bên được ủy quyền không bắt buộc phải có mối quan hệ liên kết với bên bán, miễn là đáp ứng đủ điều kiện theo quy định và không thuộc diện bị ngừng sử dụng hóa đơn điện tử.
2. Một số trường hợp áp dụng đặc thù về hóa đơn điện tử
Thông tư mới cũng làm rõ các trường hợp đặc biệt trong việc sử dụng hóa đơn điện tử, cụ thể như:
-
Các hoạt động kinh doanh phát sinh thường xuyên và có khối lượng giao dịch lớn cần đối soát số liệu trước khi xuất hóa đơn, như: giao dịch sản phẩm phái sinh, cung cấp suất ăn công nghiệp, dịch vụ tại Sở Giao dịch hàng hóa,… sẽ áp dụng theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định số 70/2025/NĐ-CP)
-
Đối với hoạt động cho thuê tài chính chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) phải có hóa đơn GTGT với tài sản mua vào trong nước hoặc có chứng từ nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu đối với tài sản nhập khẩu. Ngoài ra, tổng số thuế GTGT đầu ra thể hiện trên hóa đơn phải khớp với thuế GTGT đầu vào (hoặc chứng từ thuế nhập khẩu) của tài sản cho thuê tài chính, và phải thể hiện thuế suất ký hiệu “CTTC” trên hóa đơn.
3. Chuyển đổi hình thức hóa đơn điện tử
- Người nộp thuế đang sử dụng hóa đơn điện tử không có mã nếu có nhu cầu chuyển đổi áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế; người nộp thuế thực hiện thay đổi thông tin sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 11 Điều 1 Nghị định số 70/2025/NĐ-CP ngày 20/3/2025 của Chính phủ)
-
Trong trường hợp cơ quan thuế xác định người nộp thuế thuộc diện rủi ro cao, việc chuyển đổi sang hóa đơn điện tử có mã trở thành bắt buộc. người nộp thuế phải thay đổi thông tin sử dụng hóa đơn điện tử (chuyển từ sử dụng hóa đơn điện tử không có mã sang hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế) trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo từ cơ quan thuế.
-
Sau thời gian 12 tháng, nếu có nhu cầu quay trở lại sử dụng hóa đơn không có mã, người nộp thuế có thể làm thủ tục xin chuyển lại, nhưng cơ quan thuế sẽ xem xét chấp thuận hay không tùy từng trường hợp.
4. Lựa chọn hình thức hóa đơn phù hợp với từng loại hình kinh doanh
Đối với doanh nghiệp có đa dạng hoạt động kinh doanh:
-
Hóa đơn điện tử từ máy tính tiền sẽ được áp dụng cho các hoạt động bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng cuối như: siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi (không áp dụng cho các mặt hàng như ô tô, mô tô,…).
-
Sử dụng hóa đơn điện tử có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế được áp dụng đối với các hoạt động kinh doanh khác không thuộc trường hợp phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tại từ máy tính tiền.
5. Tiêu chí đánh giá rủi ro về thuế khi đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử
Điều 9 Thông tư 32/2025/TT-BTC cũng nêu rõ 5 tiêu chí để xác định người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro cao khi đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử.
Ngoài ra, tùy vào yêu cầu quản lý trong từng thời kỳ, cơ quan thuế địa phương (Cục Thuế) được phép thiết lập các chỉ số đánh giá để xác định nhóm doanh nghiệp có mức độ rủi ro rất cao. Việc đánh giá này dựa trên dữ liệu và quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp.
⬇️ Tải văn bản pháp luật: 32_2025_TT-BTC_659105
📌 Doanh nghiệp cần lưu ý cập nhật kịp thời các nội dung trên để đảm bảo tuân thủ đúng quy định, tránh các rủi ro pháp lý và gián đoạn trong hoạt động phát hành hóa đơn.
Nếu quý doanh nghiệp cần tư vấn chi tiết hơn về việc áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định mới, đội ngũ chuyên gia của chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ.